[Phân tích Game] “Cái chết” của Assassin’s Creed

Đánh giá bài viết này

IMRCCENTER xin giới thiệu bài viết ““Cái chết” của Assassin’s Creed”

Đó là một ngày đẹp trời năm 2007, bạn nghe phong thanh rằng Ubisoft, nhà phát hành của những tựa game tuyệt vời như Splinter Cell hay Prince of Persia đã ra mắt một game mới có tên là Assassin’s Creed. Bạn xem thử vài thông tin và thấy hấp dẫn về bối cảnh cũng như tạo hình nhân vật chính. Bạn quyết định chơi thử, và cảm thấy tựa game này thật tuyệt. Cơ chế parkour linh hoạt, khả năng ám sát ngầu lòi, không khí Trung Đông thế kỷ 12 được tái hiện tuyệt vời, và trên hết là câu chuyện giả tưởng về mối thù truyền kiếp giữa hai hội nhóm quả là thú vị. Bạn dành ra khoảng 20 tiếng để hoàn thành trò chơi, và bạn thấy rằng tuy còn nhiều thiếu sót trong thiết kế quest và open world, thì tiềm năng của trò chơi này quả là lớn. Bạn hy vọng rằng phần game tiếp theo sẽ còn hay hơn.

Lại là một ngày đẹp trời năm 2009, sau 2 năm chờ đợi, cuối cùng Assassin’s Creed II cũng đã ra mắt. Bạn mong chờ nhiều thứ ở phần game này, và từ những thông tin hay trailer, bạn cảm thấy có lẽ nó sẽ vượt xa phần đầu tiên. Bạn đã không thất vọng khi lần này rất nhiều thứ đã được cải tiến, từ cơ chế di chuyển, parkour, chiến đấu. Hệ thống nhiệm vụ phụ đã thú vị hơn. Cốt truyện và dàn nhân vật được xây dựng quá tuyệt vời. Bạn đắm chìm vào Italia thế kỷ 15 trong hàng chục tiếng đồng hồ, và bạn nhận ra mình đã có thêm một loạt game yêu thích nữa.

Nhiều năm trôi qua, bạn tiếp tục được đón nhận thêm những hậu bản tuyệt vời nữa. Bạn tiếp tục chuyến phiêu lưu tới thành Rome, thành Istanbul, châu Mỹ thuộc địa, vùng biển Caribbean thời hoàng kim của cướp biển. Các nhân vật chính đều có nét thú vị riêng, và câu chuyện dần mở rộng ra với nhiều tình tiết bất ngờ, lý thú. Mặc dù bạn biết cách thiết kế game của series luôn đã có vấn đề từ những ngày đầu, và qua nhiều bản vẫn không cải thiện được thêm là bao, nhưng dàn nhân vật thú vị cũng đủ là lý do để bạn tiếp tục.

Ô kìa, nhưng rồi mọi chuyện bắt đầu dần trở nên sai sai. Bạn đã mong chờ Unity biết bao nhiêu, và quả thật đây là một phần game mang tính cách mạng về hệ thống di chuyển, parkour và chiến đấu. Thiết kế open world vẫn trung bình, nhưng không sao, bạn hy vọng vào cốt truyện tuyệt vời và nhân vật đáng nhớ, bạn bỏ qua những bug, glitch vì dù sao đó chỉ là những vấn đề kỹ thuật. Bạn nghĩ rằng bạn sẽ có một chuyến phiêu lưu tuyệt vời ở Pháp, nhưng không. Sau khi kết thúc game, thứ duy nhất bạn cảm thấy chỉ là sự ngao ngán. Một cốt truyện nửa vời, không ra đâu vào đâu, nhân vật chính đáng quên, các nhân vật phụ mờ nhạt, cao trào tẻ nhạt. Đây là Assassin’s Creed mà bạn yêu mến ư?

Bạn biết rằng cùng năm đó Ubisoft đã ra một phần game khác là Rogue. Với sự ngao ngán sau khi hoàn thành Unity, bạn đã định bỏ qua nó, nhưng rồi nghĩ lại, bạn vẫn thử. Lần này mọi chuyện đã khá hơn bạn tưởng rất nhiều. Ô này, Rogue thực chất có gameplay gần như bê nguyên xi từ Black Flag, nhưng không sao, vẫn đủ ổn. Thứ bạn bất ngờ nhất là cốt truyện lắt léo, hay ho hơn cái mớ hổ lốn Unity rất nhiều dù thời lượng ngắn có lẽ chỉ bằng 30%. Nhân vật chính tuy chưa đạt được đến như các tiền bối, nhưng rõ ràng có cá tính và đáng nhớ hơn rất nhiều. Một câu chuyện mang tính kết nối, nhưng đồng thời mở ra cho bạn những góc nhìn khác. Bạn cảm thấy lại có hy vọng về series, và cho rằng Unity chỉ là một sai lầm nhất thời.

Đó là một ngày đẹp trời năm 2015, và bạn chuẩn bị chơi Syndicate, phần game tiếp theo với bối cảnh London thế kỷ 19. Bạn đã thận trọng hơn trước khi quyết định chơi. Mặc dù bạn cảm thấy thời kỳ cách mạng công nghiệp ở Anh khá thú vị, nhưng một lần nữa, cốt truyện và dàn nhân vật vẫn không đủ sức cuốn hút. Mặc dù tự bản thân hai nhân vật chính cũng khá hay ho, nhưng không hiểu sao biên kịch lại chắp ghép họ vào một cốt truyện tầm trung và nhàm chán đến vậy. Thiết kế open world thì vẫn vậy, chẳng có gì cải thiện là bao, mà phần parkour lại còn là một sự cải lùi. Bạn không hiểu Ubisoft đang muốn làm gì với Assassin’s Creed? Bạn tắt game đi trong ngao ngán, và bạn bắt đầu nghĩ mình nên dừng lại với series này.

Bẵng đi 2 năm, Ubisoft mới đem Assassin’s Creed trở lại với một sự cách tân mới hoàn toàn. Bạn cảm thấy khá bất ngờ trước hướng đi này. Không tiếp tục tiến lên tương lai mà lùi sâu hẳn về quá khứ xa xưa? Một câu chuyện về sự báo thù và sự thành lập Hội Sát Thủ? Ai Cập thế kỷ 1 TCN với Caesar, Cleopatra? Khá thú vị đây. Nhưng điều khiến bạn bất ngờ nhất chính là việc Ubisoft thay đổi hoàn toàn mọi thứ cốt lõi của gameplay. Họ đem yếu tố RPG vào, và làm lại hệ thống chiến đấu, đồng thời giản lược hệ thống parkour. Bạn khá lưỡng lự trước sự thay đổi này, nhưng cuối cùng bạn vẫn cho Origins một cơ hội. Bạn cảm thấy đây là một tựa game khá được. Có nhiều vấn đề ở việc thiết kế side quest, hệ thống main quest thì tạm được, cơ chế chiến đấu dựa theo skill học được từ việc lên level không mới mẻ gì với bạn, nhưng là một thay đổi cũng tạm được với Assassin’s Creed, dù rằng bạn thấy nó càng về sau càng nhàm. Tuy vậy, hai nhân vật chính của game lại thú vị hơn bạn tưởng, và bạn cảm thấy có lẽ Assassin’s Creed sẽ trở lại mạnh mẽ hơn. Bạn hy vọng rằng phần game tiếp theo sẽ còn hay hơn.

Và bạn đã nhầm.

Ubisoft không đợi lâu để ra mắt phần tiếp theo – Odyssey, với bối cảnh còn xưa hơn Origins. Bạn khá lúng túng. Prequel của prequel? Bạn thấy mọi thứ của nó có vẻ chẳng khác gì Origins, nhưng lần này Ubisoft còn đưa cả vào hệ thống lựa chọn hội thoại? Bạn lại bắt đầu phân vân, không biết có nên chơi? Nhưng bạn vốn thích thú với lịch sử và thần thoại Hy Lạp, vậy nên bạn tặc lưỡi quyết định chơi. Ô kìa, quả là một tựa game đẹp đẽ và tái hiện Hy Lạp thế kỷ 5 TCN tuyệt vời. Bạn hứng thú, bạn hy vọng mọi thứ còn lại ít nhất cũng nên được như Origins. Nhưng sau vài tiếng đầu, bạn bắt đầu thấy sai sai, và sau độ 30-40 tiếng, bạn chắc chắn đây là một sản phẩm vô hồn đến kinh khủng. Cơ chế chiến đấu không có gì mới, hệ thống Bounty Hunter chỉ thú vị lúc đầu, nhưng sau càng khó chịu. Thiết kế cả quest chính lẫn quest phụ đều dở tệ như nhau, đến mức bạn không còn quan tâm mình đang làm cái gì nữa. Lựa chọn hội thoại vô nghĩa, các hệ quả khác nhau nhưng cũng vô nghĩa như nhau. Tuy nhiên, điều khủng khiếp nhất là cốt truyện của nó nhàm chán đến không tưởng, cùng với hàng chục nhân vật bạn không hề thèm quan tâm hay đồng cảm. Bạn chơi trong sự ngao ngán và giận dữ, cuối cùng bạn bỏ cuộc. Bạn không thể tiếp tục giày vò bản thân bằng một sản phẩm rỗng tuếch như thế này nữa.

Lại bẵng đi 2 năm, Ubisoft ra mắt thêm một phần game nữa với bối cảnh nước Anh và các xứ Viking thế kỷ 9. Qua những trải nghiệm chán nản với Odyssey, bạn thực tình không hề muốn đày đọa mình một lần nữa. Nhưng họ đã để ra 2 năm thay đổi, liệu lần này có khá hơn? Từ Syndicate đến Origins là 2 năm, mọi thứ lúc đó đã thay đổi theo hướng tích cực, vậy có nên tin vào Valhalla? Bạn đắn đo suy nghĩ, bạn dằn lòng, bạn đấu tranh, và bạn quyết định thử một lần cuối cùng. Và rồi bạn không mất nhiều thời gian để nhận ra, bạn đã sai lầm. Tất cả những cơ chế mà Valhalla gọi là “thay đổi”, chỉ là đổi vẻ ngoài còn cốt lõi vốn không khác gì so với Odyssey. Thiết kế nhiệm vụ có hay hơn đôi chút, nhưng đó chỉ là ấn tượng về sự mới mẻ thoáng qua, còn thực chất nó vốn vẫn cứ tẻ nhạt và vô hồn như vậy. Lại tiếp tục là một dàn nhân vật tệ như Odyssey, khiến bạn không thể nào tin nổi tại sao một thời kỳ lẽ ra phải rất hay ho mà Ubisoft có thể khiến nó nhàm chán đến vậy? Cốt truyện của nó kéo dài lê thê một cách kinh hoàng, khiến bạn ngày càng mất đi hứng thú khi mọi thứ lặp đi lặp lại một cách chán nản. Sau khoảng 30 tiếng, bạn nhận ra tiếp tục chơi cũng chẳng ích gì. Bạn tắt Valhalla, và xóa game, thở dài khi nhận ra series này đã không thể cứu vãn. Cốt lõi gameplay từ ngày xưa của nó đã không tốt, nhưng Assassin’s Creed vẫn còn cốt truyện cùng nhân vật thú vị để bù lại. Và dù cơ chế chiến đấu đơn giản, nhưng nó lại rất phù hợp với ngữ cảnh của câu chuyện. Nhưng rồi sau bao nhiêu năm trời, Ubisoft không hề cải thiện những thứ ấy, mà còn đắp thêm nhiều thứ vớ vẩn khác vào bên ngoài. Họ không sửa thứ cốt lõi, mà họ đắp thêm những thứ khác vào để nó trông có vẻ khác. Nhưng kỳ thực, nó vẫn vậy, có chăng là lằng nhằng và khó chịu hơn mà thôi. Họ chọn cách triển khai series theo những hướng đi mới, nhưng họ không học tập những game đi trước, mà chỉ bê y nguyên các cơ chế khác nhau vào, để kéo dài game ra gấp 3, gấp 4 lần một cách không cần thiết. Rồi ngay cả linh hồn của series là câu chuyện cùng các nhân vật, họ cũng không thể giữ được. Assassin’s Creed giờ đây chỉ còn là một cái vỏ rỗng tuếch, vô hồn, nát bươm, tẻ nhạt, không thể nào thay đổi hay cứu vãn được nữa.

Bạn đau lòng, bạn buồn rầu khi chứng kiến series bạn từng yêu mến trở nên như thế này. Và bạn thở dài nhớ về một ngày năm xưa, khi bạn băng qua những con phố của Florence, khi bạn lang thang trong vùng rừng núi châu Mỹ, và khi bạn cưỡi trên những con sóng của Đại Tây Dương bao la. Đó mới là Assassin’s Creed mà bạn yêu quý. Còn bây giờ, thứ tự nhận là Assassin’s Creed đã mất đi linh hồn của mình rồi. Từ bao giờ, bạn tự hỏi? Từ lúc họ đi nước đi sai lầm với Unity? Hay phải chăng từ lúc Assassin’s Creed chạy theo cách làm lối mòn của open world, chạy theo vẻ bề ngoài mà bỏ quên đi thứ quan trọng nhất? Nhưng biết câu trả lời thì còn có ích gì đâu, khi bạn chẳng thể làm gì khi tự bản thân Assassin’s Creed đã vứt bỏ linh hồn của nó? Một thứ cho dù có thất bại, có trở nên dở tệ, có nát tan, nhưng nếu linh hồn của nó vẫn còn, thì tất có ngày nó sẽ trở lại. Còn Assassin’s Creed ư? Nó đơn giản là không thể trở lại như xưa, khi mà nó đã tự tay giết chết linh hồn của mình.

Đánh giá bài viết này

Trả lời